Headlines News :
mas template
Home » , » Trận đánh bi tráng của Biệt động Sài Gòn

Trận đánh bi tráng của Biệt động Sài Gòn

Written By Unknown on 27 tháng 7, 2012 | Thứ Sáu, tháng 7 27, 2012

Trận đánh bi tráng của Biệt động Sài Gòn


Đồng loạt đánh vào những cơ quan đầu não nhất của Mỹ - ngụy trong Tết Mậu Thân năm 1968, biệt động đã gây tiếng vang lớn ra cả thế giới.
 Tuy vậy, trong trận này, lực lượng Biệt động cũng hứng chịu tổn thất nặng nề.

Đúng 2h sáng 31/1/1968 (tức đêm mùng 2 Tết Mậu Thân), các mũi Biệt động nổ súng đánh vào các mục tiêu lớn, bao gồm tòa Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ tổng tham mưu.
Có bao nhiêu đánh bấy nhiêu
Ít người biết rằng, kế hoạch về cuộc tiến công chiến lược 1968 đã được soạn thảo từ trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt mang tên Kế hoạch X.

Năm 1964, Mỹ đã thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, còn nội bộ ngụy thì chao đảo vì những cuộc đảo chính liên miên. Nhân tình hình ấy, một kế hoạch tổng tiến công chiến lược để giành thắng lợi hoàn toàn đã được soạn thảo trong năm 1964, dự định thực hiện vào năm 1965.

Để chuẩn bị cho Kế hoạch X, lực lượng biệt động F100 của quân khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập do đồng chí Tư Chu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu chỉ huy.
Theo kế hoạch, sau khi Biệt động đánh vào các mục tiêu sẽ được chủ lực tiếp ứng và phong trào nổi dậy của quần chúng hỗ trợ nhằm đánh sập các đầu não chỉ huy chiến tranh của ngụy quyền. Tuy nhiên, nhận thấy năm 1965, Mỹ bắt đầu đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, nên kế hoạch X tạm dừng lại đến năm 1968 mới thực hiện được.

Dù vậy, từ 1964 - 1968, Biệt động Sài Gòn vẫn vừa đánh địch vừa chuẩn bị kho tàng, lực lượng ém sẵn trong thành để thực hiện kế hoạch khi có thời cơ chiến lược.

Trong 25 mục tiêu quan trọng được giao nghiên cứu, đến năm 1968 có 8 mục tiêu được quyết định tấn công, bao gồm Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu thủ đô, khám Chí Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh hải quân và Đài phát thanh.

Tòa Đại sứ Mỹ sau cuộc tấn công của Biệt động Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, đến ngày cuối, một số mục tiêu do nhiều lý do buộc phải hủy kế hoạch. Các mũi tiến công theo đúng kế hoạch áp sát mục tiêu chờ lệnh. Đáng tiếc là, gần đến giờ G, biệt động mất liên lạc với các đơn vị bộ đội hiệp đồng. Dù vậy, họ vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch trong sự tương quan lực lượng quá chênh lệch.

Mỗi mục tiêu chỉ có nhiều lắm là 20 người với trang bị vũ khí cá nhân hạng nhẹ và thuốc nổ. Trong khi đó, lực lượng đối phương là hàng tiểu đoàn, lữ đoàn trang bị đến cả xe tăng, trực thăng vũ trang… Giữa lúc đó, tư lệnh Tư Chu nói một câu nổi tiếng đại diện cho khí phách và tinh thần chiến đấu kiên cường của những chiến sĩ biệt động: “Biệt động có bao nhiêu đánh bấy nhiêu”.
Phút bi hùng ở tòa đại sứ Mỹ
Trong quá trình chuẩn bị, Sứ quán Mỹ không nằm trong các mục tiêu tấn công.

Tuy nhiên, ngày 24/1/1968, Bí thư khu ủy Võ Văn Kiệt đã chỉ thị bổ sung mục tiêu này vào. Tòa đại sứ Mỹ trước nằm ở phố Hàm Nghi, vào năm 1965 đã bị biệt động phá sập nên phải xây lại đến năm 1967 mới xong. Lo sợ bị lại tấn công, tòa đại sứ mới được cấu trúc vững chắc hơn, bảo vệ cẩn mật hơn.

Với mục tiêu như thế, chỉ có 1 tuần chuẩn bị là quá ít, song các chiến sĩ đã quyết tâm rất cao để thực hiện mệnh lệnh cấp trên. Trong khi lực lượng và vũ khí ém sẵn đã phân phối hết, Bộ tư lệnh Biệt động phải gom tất cả số cán bộ, chiến sĩ giao liên, phục vụ của đơn vị bảo đảm thành lập đội biệt động số 11 để đánh tòa Đại sứ, do đồng chí Ba Đen (tức Ngô Thành Vân) nguyên là chỉ huy đội Biệt động 159, sau là chỉ huy đơn vị A30 bảo đảm đứng ra lo liệu. Mặc dù chuẩn bị gấp rút nhưng các chiến sĩ đội biệt động số 11 đã chiến đấu với tinh thần quyết tử khiến kẻ thù phải hoảng sợ.

Cuốn sách Biệt động Sài Gòn – Chuyện bây giờ mới kể miêu tả chiến sự tại tòa đại sứ trong năm 1968: 5h, địch đã bao vây phía ngoài. Trực thăng lại ồ ạt đến đổ quân, nhưng bị các chiến sĩ ta bắn hất ra xa.

Đến lúc này vẫn không thấy bóng dáng 200 thanh niên và sinh viên đến tiếp ứng như trong kế hoạch hiệp đồng. Biết là phải chiến đấu đơn độc, nhưng anh em vẫn ngùn ngụt quyết tâm.

Ba Đen bị hơi ngạt trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh lần mò trong khói đạn, theo cầu thang xuống tầng trệt. Tại đây chiến sĩ Đực hy sinh nằm bên cạnh út Nhỏ bị thương gần kiệt sức. Anh cùng út Nhỏ ráng sức phòng ngự, dùng tiểu liên và súng ngắn bắn vào đám lính từ phía trên cầu thang tràn xuống và ngăn chặn bọn ngoài sân cỏ tiến vào.

Phía ngoài đường, bọn tâm lý chiến dùng loa phóng thanh kêu gọi các chiến sĩ biệt động đầu hàng. Địch ném xuống từng chùm lựu đạn tạo nên màn khói dày đặc, út Nhỏ quằn quại đau đớn rồi tắt thở. Nhờ có thùng phi cát phòng hỏa, Ba Đen chỉ bị trọng thương. Trong tình thế nguy kịch, anh kiên quyết sống mái với chúng, anh lượm được quả thủ pháo từ tay Đực buông ra, áp sát cửa chắn cầu thang chờ giặc. 

Biệt động đánh thủng bờ tường và tấn công xuyên tòa đại sứ. Ảnh: tư liệu
Không còn nghe tiếng súng bắn trả, bọn Mỹ dò dẫm xuống chân cầu thang, đám ở ngoài sân cũng lần tới. Chút sức còn lại cộng với lòng căm thù, Ba Đen giật nụ xòe quả thủ pháo định ném vào chúng, nhưng không còn đủ lực ném ra xa. Anh ngất đi trong tiếng nổ chuyển dội khu nhà. 
Bị hy sinh gần hết và chỉ chiếm được tòa đại sứ trong hơn 6 giờ nhưng trận đánh của biệt động đã làm chấn động toàn nước Mỹ.

Trong quyển sách Tết xuất bản tại New York, nhà báo Mỹ Don Oberdoifer có mặt ở miền Nam Việt Nam vào dịp Tết Mậu Thân đã giành hẳn chương 1 nói về ảnh hưởng của trận đánh này.

Sách có đoạn viết:  “Tuy là một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh mẽ công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý. Sứ quán Mỹ, nơi ngọn cờ sao và vạch chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam, là điểm tượng trưng cho cố gắng và quyền lực Mỹ! Trận đánh đã khiến cho người ta thấy lực lượng cộng sản mạnh hơn nhiều so với chính phủ Mỹ tuyên truyền...”. 
   Theo ĐV
Share this article :

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. DUY KHÁNH'S - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by Mas Template