Headlines News :
mas template
Home » , , , » >> Đại chiến Trung - Nhật : "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa"

>> Đại chiến Trung - Nhật : "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa"

Written By Unknown on 17 tháng 10, 2012 | Thứ Tư, tháng 10 17, 2012

Chuyên gia Nga dự báo kết quả xung đột quân sự Trung-Nhật có thể xảy ra.

>> Tiềm lực quân đội Nhật Bản


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Tình hình xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Các chiến lược gia đánh giá cơ hội của Trung Quốc và Nhật Bản trong một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.

Tình hình xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật bản và Trung Quốc đang tranh chấp nhau đang ngày một thêm căng thẳng. Hiện thời, các bên vẫn tránh những tuyên bố gay gắt hiếu chiến.

Các chiến lược gia quân sự đánh giá về tiềm lực quân sự của hai bên và dự báo ra sao về một cuộc xung đột quân sự giữa hai đại cường châu Á này?

Sức mạnh của các bên

Theo chuyên gia Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ (Nga), Tổng biên tập tạp chí Moscow Defence Brief, ông Vasily Kashin, hiện thời Trung Quốc chưa có ưu thế áp đảo về số lượng, còn về chất lượng, hạm đội Trung Quốc thua xa Hải quân Nhật Bản.

“Trung Quốc bắt đầu đóng các hạm tàu kha khá đâu đó từ năm 2007. Tất cả những gì đóng được trước đó chẳng có tác dụng gì. Họ có những tàu ngầm khá nguy hiểm đối với Nhật. Nhưng hạm đội Nhật đã được xây dựng với trọng tâm là tác chiến chống ngầm, hơn nữa là nhằm chống hạm đội Liên Xô. Tôi từng nghe thấy các chuyên gia Mỹ về chiến tranh hải quân đánh giá rằng, về mặt chiến tranh chống tàu ngầm – kinh nghiệm, trang thiết bị, phương thức thủ đoạn – hạm đội Nhật thậm chí còn trên tài Hải quân Mỹ. Cường độ huấn luyện chiến đấu trên biển cho binh sĩ tàu ngầm Trung Quốc cũng rất không ổn”, ông Kashin cho biết.

“Tình thế hiện nay của Trung Quốc cũng giống như tình cảnh của Liên Xô hồi cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Họ đang bắt đầu xây dựng một hạm đội viễn dương lớn, nhưng một là, trong quá trình đó, họ đang phải vượt qua vô số những khó khăn kỹ thuật nhỏ, hai là, họ phải thực hiện cú nhảy vọt về huấn luyện chiến đấu, chiến thuật và tổ chức. Hạm đội Liên Xô đương thời đã bắt đầu từ vị thế một hạm đội ven bờ, không có khả năng độc lập hành động ở xa bờ biển của mình, và trong suốt nhiều thập kỷ mới vươn lên thành hạm đội đại dương, còn Trung Quốc hiện nay mới chỉ ở đầu con đường này. Ngay trong những năm 1980, hạm đội Trung Quốc vẫn còn được xây dựng theo khái niệm phòng thủ gần: đó là hạm đội ven bờ với số lượng tàu chiến lớn tối thiểu, chủ yếu cấu thành từ các tàu xuồng nhỏ và một số lượng lớn pháo bờ biển. Sự phát triển hiện nay của hải quân Trung Quốc chỉ mới bắt đầu vào giữa thập niên 1990, còn những kết quả chất lượng thì điều đó mới bắt đầu mang lại chỉ vài năm trước. Sau lưng họ đơn thuần là không hề có kinh nghiệm hay trường phái cho phép họ cảm thấy tự tin”, ông Kashin nhận xét.

Phó Chủ tịch thứ nhất Học viện Các vấn đề địa-chính trị (Nga), Đại tá hải quân Konstantin Sivkov đánh giá cao hơn về khả năng của hạm đội và không quân Trung Quốc: “Về số lượng, các lực lượng quân sự Trung Quốc có ưu thế gấp hàng chục lần Nhật Bản. Quân đội Trung Quốc thời bình có quân số 2,5 triệu người, còn Nhật chỉ có khoảng 250 ngàn người. Nhưng cuộc chiến tranh giành quần đảo này (Senkaku) sẽ chủ yếu được tiến hành bằng các lực lượng của hạm đội và không quân.

Để tiến hành các nhiệm vụ tác chiến giành quần đảo này, Trung Quốc có thể huy động đến 400-500 máy bay chiến đấu, không dưới 20 tàu ngầm điện-diesel, có lẽ có đến 3 tàu ngầm nguyên tử có thể được huy động do quần đảo Senkaku ở xa biên giới Trung Quốc, một số lượng lớn tàu tên lửa nhỏ và tàu khu trục tên lửa. Nhật Bản có thể huy động chống Trung Quốc đến 150 máy bay tiêm kích chiến thuật, khoảng 10 tàu ngầm điện-diesel không hơn, khoảng 5-10 tàu khu trục và hộ vệ. Biên chế chiến đấu của hạm đội Nhật sẽ được điều động bảo vệ quần đảo này sẽ thua kém khoảng 3 lần so với lực lượng của Trung Quốc”, ông Sivkov nói.

“Lực lượng không quân chủ lực của Trung Quốc là các loại máy bay lạc hậu. Nhật Bản sẽ có ưu thế áp đảo về chất lượng. Trung Quốc không có máy bay chỉ huy/báo động sớm, Nhật Bản lại có các máy bay đó để bảo đảm khả năng kiểm soát không gian và chỉ huy không chiến, điều đó mang lại ưu thế lớn cho không quân tiêm kích Nhật Bản. Nhìn chung, có thể nói rằng, trong môi trường không gian, khả năng của Nhật và Trung Quốc sẽ là gần tương đương mặc dù Trung Quốc có ưu thế về số lượng.

Liên quan đến các lực lượng hải quân, các tàu ngầm Trung Quốc xét về tính năng chiến-kỹ thuật và công nghệ sản xuất gần tương đương trình độ thời đầu thập kỷ 1970, chúng khá ồn. Người Nhật có các tàu ngầm tiên tiến hơn và ít ồn hơn, chúng sẽ có khả năng tác chiến hiệu quả chống tàu ngầm Trung Quốc. Nhưng biên chế lực lượng tàu nổi Trung Quốc hiển nhiên sẽ vượt trội so với Nhật Bản, mặc dù họ ngang nhau về số lượng vũ khí tên lửa và tầm hoạt động”, Đại tá Sivkov đánh giá.

Dự báo thắng bại

Ông Kashin nhận định: “Chắc chắn, một cuộc xung đột quân sự tranh giành quần đảo sẽ kết thúc bằng một thất bại nhục nhã đối với họ (Trung Quốc). Nếu như xảy ra sự đụng độ của hai lực lượng ngang nhau, thì Trung Quốc sẽ hứng chịu tổn thất nặng nề và khó lòng gây ra tổn thất tương đương cho Nhật Bản. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản có ưu thế nổi trội về trang bị kỹ thuật và ưu thế lớn về huấn luyện binh sĩ. Tất cả các hệ thống mới của Trung Quốc đều chưa được kiểm nghiệm, trình độ huấn luyện, chuẩn bị của các thủy thủ đoàn đặt ra những câu hỏi lớn. Hơn nữa, vũ khí của Trung Quốc thua kém tất cả những gì Nhật Bản đang có, họ cũng sẽ không thể phát huy hết tiềm năng của chúng. Chắc chắn, sẽ việc sẽ kết thúc bằng thất bại nhục nhã đối với họ, và đói với họ, điều đó sẽ rất đau đớn”.

“Hạm đội Nhật Bản là lực lượng rất đáng gờm. Nên mặc dù Trung Quốc đang có những thành tựu lớn, nhưng đến tiến đến cùng một trình độ như thế, trước hết về chiến thuật và đào tạo binh sĩ, họ sẽ phải mất nhiều năm nữa”.

>> Senkaku - Mồi lửa thổi bùng cuộc chiến Trung - Nhật

Đại tá Konstantin Sivkov không tán thành với dự báo đó. Theo ông, tổn thất của Trung Quốc quả thực sẽ lớn, nhưng đơn độc Nhật Bản sẽ không ngăn được Trung Quốc.

“Một khi xảy ra xung đột, Trung Quốc phần nhiều sẽ áp dụng chiến lược tấn công, trong khi Nhật Bản định hướng vào phòng ngự, và một khi xảy ra đụng độ trực tiếp, Trung Quốc có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn.

Trung Quốc với ưu thế lớn về lực lượng tàu tên lửa nhỏ và tàu khu trục tên lửa sẽ có thể làm được nhiệm vụ đánh bại các cụm tàu Nhật Bản và thực hành đổ bộ. Tính tới ưu thế lớn về số lượng của Trung Quốc về không quân và lực lượng dự bị lớn, không quân Trung Quốc về tổng thể vượt trội hàng chục lần so với không quân Nhật, và Nhật Bản tất nhiên sẽ không thể kham nổi”, ông Sivkov dự báo.

Ông Sivkov cũng cho rằng, “Công tác huấn luyện binh sĩ của Trung Quốc không thua kém Nhật, thậm chí về mặt nào đó còn hơn. Khác với Nhật Bản, Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận rất ráo riết, thường xuyên, và liên tục chi nhiều kinh phí cho việc này. Bởi vậy, với trình độ huấn luyện như nhau, Trung Quốc sẽ làm được nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng không quân Nhật trên lãnh thổ nước này, cho dù là cái giá phải trả là những tổn thất lớn, nhưng sẽ làm được nhiệm vụ giành ưu thế trên không tại khu vực tiến hành đổ bộ lên quần đảo này (Senkaku)”.

Lực lượng thứ ba

Mặc dù quân số Lực lượng phòng vệ của Nhật ít hơn gần 10 lần so với quân đội Trung Quốc, Nhật còn có một ưu thế khác đó là đồng minh Mỹ mà theo hiệp ước, Mỹ phải can thiệp vào cuộc xung đột một khi Nhật Bản bị xâm lược. Và các chuyên gia đều thống nhất với nhau trong các dự báo của mình về kết cục đối đấu giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Mỹ.

Theo ông Sivkov, yếu tố Mỹ bản thân nó loại trừ hoàn toàn khả năng của Trung Quốc mở chiến dịch quân sự tại khu vực quần đảo Senkaku. “Trong một cuộc đụng độ trực diện giữa hạm đội Trung Quốc và hạm đội Nhật-Mỹ, dù cho không quân Trung Quốc có số lượng đông đảo, thì không quân trên hạm của hạm đội Mỹ cùng với lực lượng không quân chiến thuật triển khai ở đảo Okinawa về mặt số lượng biên chế chiến đấu sẽ có khả năng giải quyết nhiệm vụ ngăn chặn cuộc tấn công và gây ra những tổn thất không thể chấp nhận được cho lực lượng máy bay tấn công của Trung Quốc. Đương nhiên, các sân bay Trung Quốc sẽ bị tên lửa hành trình Tomahawk tấn công, một phần lớn không quân Trung Quốc sẽ bị tiêu diệt, hạ tầng sẽ bị phá hủy và trong vòng 1-2 tuần có sự tham gia của Mỹ, không quân Trung Quốc cơ bản bị hủy diệt. Hạm đội Trung Quốc, hiển nhiên, sẽ bị đánh tan vì các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles của Mỹ sẽ tham gia và chúng sẽ xử lý dễ dàng các lực lượng Trung Quốc.

Vũ khí hạm tàu của Trung Quốc khá mạnh, nhưng khả năng chống tàu ngầm của họ lại yếu, bởi vậy, các tàu Trung Quốc sẽ dễ dàng bị tên lửa hành trình tiêu diệt ở cự ly nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Bởi vậy, nếu như cảm xúc kích động tiếp tục leo thang và sự việc đi đến xung đột quân sự thì tất cả sẽ chỉ dừng ở những đụng độ nhỏ trên biển và trên không, sau đó Mỹ đe dọa nhảy vào và Trung Quốc chắc chắn sẽ phải ngừng chiến dịch quân sự, nhưng thay vào đó họ sẽ áp dụng đòn trả đũa kinh tế mạnh mẽ”.

“Không có sự hậu thuẫn của Mỹ, các lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ không thể giữ được quần đảo này một khi lãnh đạo Trung Quốc quyết định đánh chiếm quần đảo bằng mọi giá. Đồng thời, không quân Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn, đến 150 máy bay. Không quân phòng vệ Nhật Bản sẽ tổn thất vài chục máy bay. Nhưng nếu như Mỹ toàn lực nhảy vào cuộc xung đột như dự định, thì các lực lượng Trung Quốc sẽ bị đánh bại”, Đại tá Sivkov bổ sung.

Ông Vasily Kashin nhận định: “Mỹ không đứng về bên nào về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng nếu xảy ra điều gì đó được diễn giải như cuộc tấn công chống Nhật Bản, thì họ sẽ nhảy vào can thiệp. Mỹ duy trì trong khu vực một lực lượng bao gồm tàu sân bay George Washington, lực lượng Thủy quân lục chiến ở Okinawa, không quân, quân đội ở Hàn Quốc. Nghĩa là ở ngay sát quần đảo tranh chấp, Mỹ có các lực lượng khá lớn, trong đó có một cụm tàu sân bay tiến công, mà trong trường hợp có nguy cơ xung đột, có khả năng trong vài giờ là có mặt khu vực chiến sự và tham chiến. Tương quan lực lượng bất lợi đối với Trung Quốc đến mức không thể nói đến chuyện Trung Quốc muốn tiến hành một cuộc xâm lược. Trung Quốc sẽ còn phải đi một chặng đường dài để có khả năng thực sự đe dọa Nhật Bản”.

Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư từng do người Trung Quốc phát hiện, cuối thế kỷ XIX đã bị cắt cho Nhật Bản sau chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất. Nhưng sau khi thất trận trong Thế chiến II, Tokyo đã mất quyền đối với tất cả các lãnh thổ chiếm được, quần đảo chuyển sang do Mỹ quản lý. Trong thập kỷ 1970, Mỹ trả lại Nhật đảo Okinawa cùng với quần đảo Senkaku. Hiện tại, chính phủ Nhật chính thức chỉ sở hữu một hòn đảo của quần đảo, các đảo còn lại họ thuê lại của các chủ sở hữu tư nhân và cho đến gần đây vẫn không chịu mua lại các đảo này.

Nghiên cứu viên cao cấp Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Tiến sĩ Khoa học chính trị, Giáo sư Đại học tổng hợp Takusyoku (Tokyo), ông Vasily Molodyakov cho rằng, chính phủ Nhật quyết định mua lại các hòn đảo không phải vì lý do ái quốc mà do mục đích trục lợi thuần túy. “Tất cả đều hiểu rằng, câu chuyện không liên quan đến các vách đá nhô lên từ mặt biển không có dân cư trên đó. Con người không sống ở đó, nên tất nhiên, vấn đề chủ yếu đó là thềm lục địa liền kề”, ông Molodyakov nói.

Nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Viktor Pavlyatenko cho rằng, từ giác độ kinh tế, đến nay vẫn chưa có ai đánh giá tầm quan trọng của quần đảo Senkaku. “Tất cả những dự đoán được xây dựng trên những khả năng tiềm tàng của khu vực này. Thềm lục địa liền kề, kể cả ở phía Trung Quốc, có thể có dầu và khí đốt. Từ đó, người ta phỏng đoán là nó có giá trị nhất định nào đó”, chuyên gia này giải thích.


Share this article :

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. DUY KHÁNH'S - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by Mas Template